Sử dụng điện thoại di động an toàn
Tại sao lại cần đưa ra những lời khuyên về an toàn khi sử dụng điện thoại di động? Sử dụng điện thoại di động có gây ảnh hưởng đến sức khỏe? Liệu có nguy hại nào đối với trẻ em?
Điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe?
Chúng ta đều biết tất cả những gì phát ra sóng điện từ đều có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Ngoài ra, kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng điện thoại di động làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Mới đây, vào tháng 12.2007, một nghiên cứu của các nhà khoa học Israel đã kết luận rằng những người sử dụng thường xuyên điện thoại di động (hơn 22 giờ mỗi tháng) và luôn đặt điện thoại ở một bên tai, sẽ có nguy cơ làm phát triển khối u hạch tuyến mang tai trên cao hơn so với những người hiếm khi sử dụng điện thoại.
Để thêm bằng chứng có thể khẳng định rằng điện thoại di động là một tác nhân có hại đối với sức khỏe, Bộ Y tế Pháp cũng khuyến cáo tới người dân cần cảnh giác với những yếu tố nguy hại của điện thoại di động tới sức khỏe con người.
Việc sử dụng điện thoại di động có nguy hại hơn đối với trẻ em so với người trưởng thành không?
Trên thực tế, vấn đề này vẫn còn là một giả thuyết. Nếu những hậu quả về sức khỏe do điện thoại di động gây ra đã được xác định rõ ràng, thì trẻ em sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, do chúng nhạy cảm hơn đối với tần số phóng xạ, bởi vì cơ thể trẻ còn đang ở thời kỳ phát triển.
5 lời khuyên khi sử dụng điện thoại di động
Hằng ngày, chúng ta khó có thể không sử dụng điện thoại di động. Vậy làm thế nào để hạn chế những tác động xấu của điện thoại di động tới sức khỏe? Dưới đây là 5 lời khuyên được các nhà khoa học đưa ra trên E-santé (Pháp) sẽ giúp chúng ta tránh được phần nào những ảnh hưởng của điện thoại di động tới sức khỏe.
1. Sử dụng điện thoại cố định thường xuyên nếu có thể, thay cho điện thoại di động.
2. Hạn chế thời gian đàm thoại khi sử dụng điện thoại di động.
3. Nên thường xuyên sử dụng tai nghe bluetooth nhằm để điện thoại di động xa đầu và không nên để điện thoại gần những vùng cơ thể nhạy cảm.
4. Thường xuyên luân chuyển bên tai nghe: không nên luôn luôn đặt điện thoại ở cùng một bên, và cùng một tai.
5. Không sử dụng điện thoại trong những vùng sóng yếu (trong phương tiện di chuyển, cầu thang máy, khu đỗ xe dưới đất...) cũng như trong lúc đang di chuyển (đi bộ, trên tàu hỏa...) bởi vì điện thoại sẽ phải vận hành tối đa công suất để tiếp sóng.